15:41 EDT Thứ ba, 17/09/2024 |
Sau một năm thực hiện thí điểm, qua khảo sát một cách nghiêm túc theo đúng khung chuẩn chất lượng châu Âu, 86% số học sinh đạt yêu cầu. So với số học sinh học theo chương trình tự chọn, các em học theo chương trình thí điểm hơn hẳn về kỹ năng nói và nghe – hơn hẳn về kỹ năng giao tiếp. Không những học sinh mà ngay giáo viên cũng trưởng thành lên nhiều về phương pháp dạy ngoại ngữ nói chung, dạy kỹ năng giao tiếp nói riêng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Thịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (thành phố Vinh), nơi đang thực hiện thí điểm, đồng thời cũng đang dạy tiếng Anh cho học sinh các lớp không thí điểm theo chương trình tự chọn: chất lượng của các lớp thí điểm đạt kết qủa rất cao. Chính bốn yếu tố: giáo viên đạt chuẩn về trình độ một cách thực chất (chứ không phải đạt chuẩn theo bằng cấp); sách giáo khoa được biên soạn với chất lượng cao; cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học cùng với phương pháp dạy học mới đã tạo điều kiện tốt cho người dạy làm nên thành công.
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2011-2012, ở các trường đã thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3, sẽ tiếp tục dạy thí điểm tiếng Anh cho học sinh lớp 4; đồng thời triển khai đại trà dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở các trường có đủ điều kiện. Trong quá trình triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Nghệ An có thuận lợi là đã có Kế hoạch Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2020 (Quyết định số 5600/QĐ-UBND.VX ngày 22/11/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An). Theo dự kiến, Nghệ An định triển khai đại trà dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở 120 trường tiểu học. Để chuẩn bị việc này, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định bố trí 6,8 tỷ đồng hỗ trợ cho các nhà trường trang bị phòng học ngoại ngữ. Trong hai tháng 6 và 7 năm 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức bồi dưỡng một chương trình 300 tiết cho giáo viên tiếng Anh tiểu học; phối hợp với Trường Đại học Vinh bồi dưỡng thêm cho 120 giáo viên tiếng Anh ở 120 trường tiểu học thuộc 9 huyện vùng đồng bằng.
Sự chuẩn bị là thế, nhưng vào đầu năm học 2011-2012 cũng chỉ triển khai dạy thí điểm tiếng Anh cho học sinh lớp 4 ở 08 trường đã thí điểm năm trước, còn việc triển khai đại trà dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở 120 trường theo dự kiến đã bị chững lại. Nguyên nhân không phải vì không có sách giáo khoa, không có cơ sở vật chất mà là do con người - do giáo viên dạy tiếng Anh chưa được kiểm định về chất lượng. Tất cả đều đang chờ vào tiến độ của việc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phối hợp với Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Đại học Cambridge tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh theo hình thức FCE.
Theo ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An), việc triển khai đại trà dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 chỉ được thực hiện sau khi có kết quả khảo sát chất lượng giáo viên tiếng Anh. Hiện nay Sở đã và đang phối hợp với Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Đại học Cambridge tổ chức khảo sát và đầu tháng 10 vừa rồi mới có kết quả đợt 1, nhưng đợt này số giáo viên tiếng Anh tiểu học được dự khảo sát không nhiều. Đợt khảo sát thứ 02 thì đông hơn, nhưng đến tháng 12 năm 2011 mới có kết quả. Theo quy định, những giáo viên đạt trình độ B2 mới được bố trí giảng dạy, nhưng căn cứ vào điều kiện do lịch sử để lại, Sở sẽ bố trí giảng dạy đối với cả những giáo viên đạt trình độ B1, song trong một thời gian nhất định, các giáo viên này phải phấn đấu để đạt trình độ B2 (khung chuẩn trình độ năng lực tiếng Anh của Việt Nam được chia thành 6 bậc, thấp nhất là bậc 1, cao nhất là bậc 6, tương tương với chuẩn của châu Âu: A1, A2, B1, B2, C1, C2; trình độ B1 tương đương bậc 3, trình độ B2 tương đương bậc 4). Ông Trần Thế Sơn cho rằng, cái khó của việc triển khai đại trà dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học hiện nay là đội ngũ giáo viên chứ không phải là kinh phí. Vừa rồi, Nghệ An tự khảo sát thử, chỉ có 55% số giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B1, mà để lên được trình độ B2 là không dễ và cần phải có thời gian. Nếu triển khai đại trà dạy tiếng Anh đến lớp 5, trừ số hiện có, Nghệ An còn thiếu 700 giáo viên tiếng Anh, đó là mới nói về số lượng chứ chưa nói đến chất lượng.
Như vậy, để thực hiện được kế hoạch dạy tiếng Anh trong các nhà tường phổ thông nói chung và trường tiểu học nói riêng, tất cả đang chờ ở số lượng và chất lượng sinh viên tiếng Anh do các trường đại học và cao đẳng đào tạo ra. Một bài toán mới lại xuất hiện cần được các nhà quản lý giải quyết sớm: trong một thời gian ngắn, phải nâng cao năng lực đào tào giáo viên tiếng Anh (cả về số lượng lẫn chất lượng) của các trường đại học, cao đẳng.
Minh Đức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn