15:27 EDT Thứ ba, 17/09/2024 Yên Thành trao thưởng hơn 1.000 giáo viên và học sinh giỏi | Văn bản của Bộ Thông tư 119/2004/TTLT-BTC-TLĐLĐVN và thông tư 2218/SGD&ĐT-VP | Văn bản của Bộ giáo dục và Đào tạo | Văn bản của Bộ Thông tư 01/2011/TT-BNV | Văn bản của Bộ Thông tư 1144 BGĐT-KHTC | Văn bản của Bộ quy định về trường chuẩn quốc gia | Thông tư 58/2011/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 12/ 2011/ TT-BGD&ĐT | Bộ máy tổ chức của trường | Thơ ca ngợi mái trường | Ket qua xep loai giao vien nam 2013 | 

DANH MỤC

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức nổi bật » Tin của Phòng

Vấn đề dạy nghĩa của từ và các lớp từ có quan hệ về ngữ nghĩa

Thứ tư - 28/12/2011 21:55
Từ có vai trò rất quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ. Con người muốn tư duy phải có ngôn ngữ. Không có vốn từ đầy đủ, con người không thể sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp. Việc dạy từ ngữ ở tiểu học sẽ tạo cho học sinh có năng lực từ ngữ, giúp cho học sinh nắm được tiếng mẹ đẻ, có phương tiện giao tiếp để phát triển toàn diện. Vốn từ của học sinh càng giàu bao nhiêu thì khả năng sử dụng từ càng lớn, càng chính xác, hoạt động giao tiếp sẽ thể hiện rõ ràng và nhạy bén hơn.


Quyết định số 43/BGD&ĐT ngày 9/11/2001 của Bộ giáo dục và đào tạo đã nêu rõ Mục tiêu của môn Tiếng Việt.

Với mục tiêu được quy định thì môn Tiếng Việt có vai trò hết sức quan trọng, giúp trẻ chiếm lĩnh tri thức mới, hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt trong học tập và trong giao tiếp. Ngay từ bậc tiểu học, học sinh được chú trọng dạy từ, trong đó dạy giải nghĩa của từ và các lớp từ có quan hệ về ngữ nghĩa là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Mặc dù vấn đề nghĩa của từ, các lớp từ có quan hệ về ngữ nghĩa và việc dạy vấn đề này ở trường tiểu học không gây nhiều tranh cãi như việc dạy nội dung cấu tạo từ, nhưng đây lại là công việc không mấy dễ dàng bởi vì nghĩa của từ là một hiện tượng phức tạp trừu tượng khó nắm bắt. Trong khi đó tư duy của học sinh tiểu học chủ yếu thiên về cụ thể chưa phát triển tư duy trừu tượng. Điều này đòi hỏi giáo viên cần phải tìm ra được biện pháp dạy học thích hợp với tâm lý nhận thức của các em. Qua nghiên cứu lý luận và tìm hiểu thực tiễn việc dạy học môn luyện từ và câu ở tiểu học nói chung và lớp 5 nói riêng. Tôi có thể đề ra một số các hướng dạy nghĩa của từ và các lớp từ có quan hệ về ngữ nghĩa cho học sinh lớp 5 như sau:

Trước hết ta cần hiểu nghĩa của từ là gì? Và dạy nghĩa của từ cho học sinh thế nào?

Nghĩa của từ được hiểu là nội dung đối tượng vật chất, là sự phản ánh đối tượng của hiện thực (Một hiện tượng, một quan hệ, một tính chất, hay một quá trình) trong nhận thức, được ghi lại bằng một tổ hợp âm thanh xác định. Để tăng vốn từ cho học sinh, ngoài việc hệ thống hóa vốn từ, công việc quan trọng là làm cho học sinh hiểu nghĩa từ. Đây là nhiệm vụ sống còn trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Việc dạy nghĩa của từ được tiến hành trong tất cả các giờ học, bất cứ ở đâu có cung cấp từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, thì ở đó có dạy nghĩa từ.

Ví dụ:
Trong các phân môn Tập làm văn, Kể chuyện, Chính tả, thậm chí cả Tập viết, hoạt động giải nghĩa từ cũng thường xuyên được thực hiện. Để giải nghĩa từ, trước hết giáo viên phải hiểu nghĩa từ và biết giải nghĩa phù hợp với mục đích dạy học, phù hợp với đối tượng học sinh.

Theo định hướng nêu trên, chúng tôi đưa ra các biện pháp giải nghĩa từ thích hợp với lượng từ ngữ cần cung cấp cho học sinh lớp 5

Giải nghĩa bằng định nghĩa

Đây là biện pháp giải nghĩa bằng cách nêu nội dung nghĩa, gồm tập hợp các nét nghĩa bằng một định nghĩa. Tập hợp nét nghĩa được liệt kê theo sự sắp xếp nét nghĩa khái quát, cũng là nét nghĩa từ  loại lên trước hết và các nét nghĩa càng hẹp, càng riêng thì càng ở sau.

Ví dụ:
+ “Thảo quả”(TV5- T1- Tr113): thảo quả  là một loại cây, thân nhỏ, quả hình bầu dục, lúc chín màu đỏ, tỏa mùi thơm ngào ngạt, dùng làm thuốc và gia vị.
+ Gùi (TV5 -T1- Tr 144): đồ vật, đan bằng mây, tre, đeo trên lưng để chuyên chở đồ đạc, miệng loe hơn đáy có hình trụ...

Bằng việc giải nghĩa biểu niệm theo cách định nghĩa khái niệm như trên, chúng tôi nhận thấy cần hướng dẫn học sinh biết cách xác định các nét nghĩa và tổ chức sắp xếp các nét nghĩa ấy. Công việc này đòi hỏi giáo viên lưu ý các em trước hết phải nhận dạng được ý nghĩa phạm trù của từ cần giải nghĩa, và biết chúng thuộc tiểu loại nào. Bởi vì các từ loại khác nhau sẽ có hướng giải nghĩa khác nhau. Mặt khác cùng là danh từ, nhưng cách giải nghĩa danh từ trừu tượng sẽ khác với danh từ chỉ sự vật cụ thể.

Giải nghĩa theo lối so sánh từ đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc trái nghĩa.

Đây là cách giải nghĩa một từ bằng cách quy nó về những từ đã biết. Nhất thiết các từ dùng để quy chiếu đó phải được giảng kĩ.

Ví dụ:
+ Cam tâm: cũng như cam lòng, nghĩa là tự kìm hãm, tự dập tắt, những tâm trạng của riêng mình để chịu đựng hay để làm một việc nào đó.  
+ Thịnh nộ (TV5- T1- Tr 89): là giận dữ ;
                                               là tỏ ra giận lắm, một cách đáng sợ.

Vì từ đồng nghĩa thường khác nhau về sắc thái cho nên cách giảng theo lối so sánh từ đồng nghĩa nên kết hợp với cách giảng định nghĩa hoặc với cách giảng theo lối miêu tả. Vì thế bên cạnh việc đưa ra các từ đồng nghĩa, gần nghĩa để đối chiếu, cần bổ sung thêm những nét nghĩa riêng cho từng từ. Mặc dù  khi giải nghĩa chúng ta có thể chỉ cần làm rõ nghĩa một từ, nhưng việc xác định loạt đồng nghĩa sẽ giúp chúng ta hiểu rõ nghĩa của từ cần giải nghĩa hơn.

Ví dụ:
Khi giải nghĩa từ lốc (cơn lốc), chúng ta đưa từ này về loạt đồng nghĩa: lốc, gió, bão, giông, giông tố,..... Trong loạt từ trên, chúng ta chọn từ gió làm từ trung tâm rồi giảng nghĩa từ thật kĩ, rồi bổ sung những nghĩa đặc thù cho các từ  lốc, bão, giông...

Giải nghĩa theo cách miêu tả.

* Cách này có hai dạng:
- Thứ nhất là dạng dẫn tính chất, (hiện tượng thường gặp) để giúp cho học sinh hiểu ý nghĩa của từ.

Ví dụ:
+ sửng sốt (TV5- T1-Tr64): ngạc nhiên cao độ, vẻ mặt có thể biến đổi khác thường như mắt mở to, lông mày nhướn lên ...
+ đỏ (TV5 - T1-Tr10): chỉ mầu sắc có mầu như mầu máu tươi.
- Thứ hai là đối với các từ có chức năng biểu hiện cao như các từ láy sắc thái hóa, hoặc từ ghép phân nghĩa sắc thái hóa, một mặt vừa phải kết hợp cách giảng theo định nghĩa, mặt khác phải dùng lối miêu tả. Để miêu tả, chúng ta có thể lấy một sự vật, hoạt động cụ thể làm chỗ dựa rồi miêu tả sự vật, hoạt động đó sao cho nổi bật lên các nét nghĩa chứa đựng trong từ.

Ví dụ: + vật vờ: lay động nhẹ, yếu ớt, như không có sức mạnh chống đỡ từ bên trong,
mặc cho sức mạnh bên ngoài kéo đi, lôi lại như cây cỏ dài lay động trong làn
nước nhẹ.

Nếu như cách giải nghĩa theo định nghĩa bắt đầu từ các ý nghĩa biểu niệm thì giảng nghĩa theo cách miêu tả về cơ bản là bắt đầu bằng một ý nghĩa biểu vật tiêu biểu nhất để giúp học sinh lĩnh hội được nghĩa biểu vật.

Giải nghĩa theo cách phân tích từ ra từng tiếng và giải nghĩa từng tiếng này

Cách giải nghĩa này có ưu thế đặc biệt khi giải nghĩa từ Hán việt. Việc giải nghĩa từng tiếng rồi khái quát nêu ý nghĩa chung của cả từ sẽ giúp học sinh cơ sở nắm vững nghĩa từ.

Ví dụ:
+ Trí dũng song toàn: (TV5- T2- Tr56) : trí là mưu trí.
                                                              dũng là dũng cảm.
                                       Trí dũng song toàn là vừa mưu trí vừa dũng cảm.
+ Nhân chứng(TV5 - T2- Tr56): nhân là chỉ người.
                                            chứng là chứng thực sự việc.
                                  Nhân chứng là người làm chứng.

Dựa vào những hiểu biết về lí thuyết và điều tra thực tiễn chúng tôi đã tìm ra những hướng giải nghĩa từ thích hợp đối với từng loại từ.  Chia các từ cần giải nghĩa thành từng nhóm và tìm ra biện pháp giải nghĩa phù hợp, chúng tôi muốn giúp giáo viên tiểu học có phương pháp hệ thống trong hoạt động giải nghĩa từ. Trong mỗi giờ học, giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh cách giải nghĩa một số từ trong nhóm. Học sinh dựa vào cách mà giáo viên đã dạy đó, tiếp tục giải nghĩa các từ còn lại. Có một số điểm cần lưu ý với giáo viên khi giải nghĩa từ như sau:

- Thứ nhất, cần diễn đạt lời giảng sao cho ngắn gọn, súc tích, đầy đủ. Phải biết chọn cách diễn đạt sao cho đối với những từ trong cùng một nhóm ngữ nghĩa được giảng bằng công thức giống nhau.

- Thứ hai, giúp học sinh hiểu được các từ “công cụ” mà giáo viên thường huy động để mở đầu cho lời giải nghĩa từ như: sự vật, hoạt động, tính chất, trạng thái....

- Thứ ba, người giảng phải khái quát được ngôn cảnh để lời giảng đảm bảo đầy đủ các nghĩa và phát hiện ra được những nét tinh tế trong nghĩa của từ cần giải nghĩa.

Hay việc giải nghĩa các từ ngữ có giá trị nghệ thuật, được tách ra thành mục riêng với phương pháp tìm hiểu đặc trưng. Để hiểu sâu sắc các nét nghĩa của từ, nắm được những sắc thái nghĩa tinh tế của nó, giáo viên có thể dùng biện pháp so sánh với các từ cùng trường nghĩa đồng nghĩa, hay trái nghĩa, hoặc biện pháp dựa vào quy tắc chuyển nghĩa.

Các biện pháp giải nghĩa từ và dạy từ đồng nghĩa, trái nghĩa mà chúng tôi nêu trên được trình bày theo nguyên tắc thực hành. Nghĩa là các biện pháp đều được cụ thể hóa qua ví dụ, qua hệ thống bài tập sẽ phù hợp với đối tượng học sinh lớp 5.
Nguyễn Văn Tú
(Phòng GD&ĐT  Lục Nam – Bắc Giang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn