Biết cách nói lời “xin lỗi” khi phạm sai lầm, lời “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ. Hay đơn giản chỉ là lời chào thân thiện với người xung quanh, biết kiềm chế bản thân, nghĩ tích cực hơn trong mọi tình huống trong cuộc sống. Xã hội sẽ trở nên thân ái hơn.
Đi đến nơi nào lời chào đi trước
Lời chào dẫn bước con đường bớt xa
Lời chào thành quà khi gặp các cụ già
Lời chào thành hoa nở ra bao điều tốt.
Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng đã từng nghe những câu hát đó, thậm chí là nhiều lần. Nhưng có không ít người, đa số là các bạn học sinh, mỗi khi nghe bài hát này đều bảo đây là bài hát dành cho trẻ em mẫu giáo, không phù hợp với tuổi học sinh chúng mình. Vậy xin được hỏi: các bạn đã làm được những điều mà câu hát nói đến chưa? Nếu chưa thì xin đừng vội khẳng định “đây chỉ là bài hát trẻ con” khi vừa mới nghe. Bài hát trên có tựa đề là “Lời chào của em”. Lời chào - chỉ hai tiếng tưởng chừng như rất đơn giản ấy nhưng tại sao có rất nhiều người không làm được điều đó, đặc biệt phổ biến ở tuổi học sinh chúng ta? Đó chính là văn hóa ứng xử. Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, bản chất của ứng xử là những đặc điểm tính cách của cá nhận được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ và cách nói năng với người xung quanh, chỉ một tiếng chào khi gặp thầy cô hay người lớn tuổi cũng thể hiện được sự ứng xử có văn hóa của mỗi người. Đơn giản hơn là việc nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm hay cảm ơn khi được giúp đỡ. Đó cũng là biểu hiện của ứng xử có văn hóa. Tiết kiệm là một đức tính tốt của con người. Tuy nhiên, nhiều người tiết kiệm đến mức chỉ hai tiếng cảm ơn hay xin lỗi cũng không thèm nói chứ không phải là không thể nói. Việc đó đâu có khó khăn gì. Nếu không muốn nói thì tốt nhất là nên im lặng, đằng này có một cơ số người trong xã hội hiện nay - phổ biến ở lứa tuổi học sinh xảy ra hiện tượng văng tục, chửi thề. Một cách ứng xử đã trở thành quen mắt trong xã hội ta ngày nay: người ta sẵn sàng gây gổ, dùng vũ lực với nhau chỉ vì những va chạm nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, hay những câu nói tình cờ, đôi khi chỉ vì tiếng cười hay ánh mắt,… không ít trường hợp dẫn đến hậu quả đáng buồn hay bi kịch đáng tiếc.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Phần đông các bạn được hỏi “Bạn sẽ làm gì khi bạn mình không chào hỏi người lớn, không nói lời cảm ơn hay xin lỗi khi cần thiết?” đều trả lời: “Mình sẽ khuyên nhủ bạn ấy, nói cho bạn ấy hiểu về lợi ích của việc chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn và nhắc nhở bạn nhớ về sau”. Vậy xin được hỏi, nếu người đó tiếp tục “quên” thì làm thế nào? Chả lẽ lại chạy theo mỗi ngày để nhắc nhở? Các bạn ạ. Chúng ta đang ở lứa tuổi học trò, đang là thời kỳ hình thành nên tính cách, nhân phẩm con người, nên ta phải rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Nếu ta không đủ khả năng để chạy theo khuyên nhủ họ thì đừng giống như họ, những việc làm xấu đó xem như là rác. Mình không thể hốt sạch nó thì đừng làm cho nó dơ thêm. Đây là một hiên tượng rất thực tế. Nhiều bạn trẻ đi với nhau, dù muốn chào hỏi nhưng thấy bạn mình không chào nên lại thôi và tự nhủ” bạn không chào mình chào làm gì”. Đây là điều không hề sai và hơn thế, nó còn rất phổ biến. Bên cạnh đó, ứng xử có văn hóa không có sự phân biệt giữa độ dài của tuổi, độ cao của quyền lực hay độ căng phồng của chiếc ví. Nhiều người lầm tưởng rằng người nghèo phải tôn kính người giàu, chỉ có người nhỏ tuổi mới cần ứng xử có văn hóa với người già, còn ngược lại thì không. Đó là những quan niệm sai lầm. Điển hình như trường hợp hai người đàn ông nông dân đi xe đạp chẳng may va vào nhau, cả hai cùng ngã. Sau đó họ đứng dậy, mỗi người nhìn vào chiếc xe của mình rồi cùng nhau gật đầu chào và đi tiếp.
Người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa nước ta, họ có thể đánh giá qua một câu chuyện nỏ gặp trên đường phố. Văn hóa là thế đấy. Đây mới gọi là văn hóa đích thực, bởi nó đã trở thành thói quen, nếp sống ứng xử thường trực.
Biết cách nói lời “xin lỗi” khi phạm sai lầm, lời “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ. Hay đơn giản chỉ là lời chào thân thiện với người xung quanh, biết kiềm chế bản thân, nghĩ tích cực hơn trong mọi tình huống trong cuộc sống. Xã hội sẽ trở nên thân ái hơn, đâu phải chỉ có thêm nhiều công viên, cao ốc mà chính là những cách ứng xử có văn hóa như vậy.