"Năm 2006 khi Thủ tướng có chỉ thị về “hai không” trong giáo dục thì năm thi đó có địa phương tỉ lệ đỗ rất thấp và người ta cho rằng đó là phản ánh đúng với thực chất giáo dục, nhưng vài năm sau ở các địa phương ấy tỉ lệ đỗ lại rất cao.
GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT chia sẻ rằng ông có ấn tượng tốt với những người giám tố cáo tiêu cực.
- Thưa GS. Trần Hồng Quân, rất tiếc sự việc tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục một lần nữa đã xảy ra. Nếu còn ở cương vị là Bộ trưởng, Giáo sư sẽ xử lí vụ việc trên như thế nào?
GS. Trần Hồng Quân: Vụ clip tiêu cực trong thi cử tại Bắc Giang có hai mặt của vấn đề. Các em cũng có phần sai qui chế khi mang thiết bị quay vào phòng thi. Nhưng mặt khác chính các em cũng là người chống tiêu cực. Do vậy xử lí làm thế nào để không nặng tay với các em là điều rất quan trọng.
Nếu các em không dùng thiết bị đó để gian lận trong làm bài, tuy nhiên cũng sai qui chế, nhưng cái sai đó nhẹ thôi, nếu như thiết bị đó không trợ giúp cho các em quay bài. Quan trọng phải xem xét em đó có dùng phao điện tử để quay cóp hay không?
Mặt khác cũng phải tuyên dương em thí sinh này về thái độ chống tiêu cực, cái đó mới là cái chính. Lâu nay, chúng ta lên án chuyện học sinh tự tung clip lên mạng, vấn đề đó cũng có hai mặt, các em ghi lại hình ảnh bạo lực rồi tung lên mạng cũng có mặt tích cực của nó. Chúng ta đừng chỉ vì hành vi đó là đe các em phải thế này, thế kia.
GS Trần Hồng Quân: Sự việc nào cũng nên nhìn ở hai mặt vấn đề, nên xử lí nhẹ nhàng với người quay clip tiêu cực.
Các em làm được ở những mặt tích cực thì chúng ta cũng phải ghi nhận mặt tích cực đó. Chúng ta không nên lên án chuyện đó, nếu hành hạ các em thì sau này ai còn dám phản ánh chuyện chống tiêu cực nữa. Quan trọng mình xử sự thế nào cho tốt.
- Nhiều ý kiến nói rằng, để một Hội đồng thi có nhiều gian lận trong làm bài như vậy nên hủy bỏ kết quả thi và thi lại theo đề dự phòng, ý kiến của Giáo sư về nhận định trên như thế nào?
GS. Trần Hồng Quân: Tôi không nắm được tình hình trong Hội đồng đó đưa phao vào nhiều hay ít, tính chất có trầm trọng hay không, để hủy hay không hủy kết quả thi, nếu số lượng ít thì mình xử lí theo hướng khác chứ chưa nên hủy hết kết quả thi vì có những em khác không tham gia quay cóp tiêu cực, như vậy là không thỏa đáng và thiệt thòi cho các em.
- Nhiều chuyên gia nhận định qua từng năm thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ đỗ cao như vậy sẽ không phản ánh chính xác lực học và nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, liệu bỏ thi tốt nghiệp thì có ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực nữa không, thưa Giáo sư?
GS. Trần Hồng Quân: Phải nói là chế độ thi cử của ta nói chung không tốt, nặng nề và căng thẳng quá. Vì thế tạo nên áp lực bằng bất cứ giá nào để vượt qua được kỳ thi và nảy ra tiêu cực. Năm 2006 khi Thủ tướng có chỉ thị về “hai không” trong giáo dục thì năm thi đó có địa phương tỉ lệ đỗ rất thấp và người ta cho rằng đó là phản ánh đúng với thực chất giáo dục, nhưng vài năm sau ở các địa phương ấy tỉ lệ đỗ lại rất cao. Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp cũng không có ý nghĩa mấy nữa, hầu như chỉ là hình thức thôi.
Tóm lại, giáo dục của ta là học để thi là chính, cái đó rất nguy hiểm, do vậy chế độ thi cử phải thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp và đại học nên nhập vào một thôi. Đương nhiên thi như thế nào và cách thi ra sao, đó là vấn đề phải nghiên cứu, làm sao cho thi cử nhẹ nhàng, điểm số cũng cần nhẹ nhàng thôi. Toàn bộ chế độ thi cử phải nghiên cứu lại, đừng để tình trạng môn nào thi thì học kĩ, môn nào không thi thì học qua loa, như vậy là không ổn. Do đó mà xuất hiện nhiều hiện tượng đối phó với những hình thức thi cử như chúng ta thấy.
- Hiện nay tiêu cực trong thi cử được ví như một bệnh thành tích tại các địa phương. Trong khi đó nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên giao quyền tự chủ tuyệt đối cho các địa phương tổ chức thi, như vậy hai ý kiến có mâu thuẫn hay không, ý kiến của riêng Giáo sư là gì?
GS. Trần Hồng Quân: Muốn thay đổi hình thức thi chúng ta phải nghiên cứu trong bối cảnh của xã hội ta để tìm ra giải pháp nào tốt nhất và phải phù hợp trong bối cảnh ấy. Phía Hiệp hội cũng đang xây đựng phương án về kỳ thi hai trong một (đại học và tốt nghiệp được gộp lại), đã gửi cho bộ rồi.
Thực ra nếu các địa phương tổ chức thi mà khắc phục được bệnh thành tích là rất tốt, Bộ làm cơ quan quản lí nhà nước không nên đi vào cái cụ thể như thế sẽ không hay.
Sự việc trên Bắc Giang lỗi do người lớn là chính, lỗi người lớn còn thể hiện ở nhiều cấp chứ không phải 1 cấp. Qua sự việc của Bắc Giang có thể nói đây là một tín hiệu điển hình, là tín hiệu cấp báo cho tình trạng thi cử của chúng ta đang làm.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo GDVN